HƯỚNG DẪN THI CÔNG GẠCH LÁT BÊ TÔNG

     Sau đây chúng tôi xin trình bầy một số cách thi công cơ bản, giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức thực hiện cho từng công đoạn, lập kế hoạch thiết kế cho phù hợp nhằm tránh lãng phí hoặc không phù hợp với cảnh quan hiện tại.

* TIẾN TRÌNH LÁT GẠCH BÊ TÔNG

     Công việc này các bạn cần lập kế hoạch chi tiết như sau:

     Diện tích cần lát, đường bờ bao xung quanh là bê tông hoặc dùng loại gạch lát lớn làm đường biên. Sau đó tùy thuộc vào điều kiện hiện hữu (kiến trúc mới hoặc cổ điển) mà lựa chọn chủng loại, màu sắc cho phù hợp với thiết kế, cũng như việc thi công dễ dàng hơn, không mất nhiều công để cắt gạch lát ở những vị trí góc, đường biên. Ngoài ra với diện tích lớn còn phải tính toán độ dốc và mương thoát nước nhằm tránh việc bị đọng nước, thường lấy độ dốc tỉ lệ 1:60.

     Các công cụ cần chuẩn bị: Máy đầm cóc, cào, xẻng, xe rùa, bay, thùng chứa, búa cao su, dây căng, cây gạt hồ...

Image
     Chuẩn bị lớp nền:

     Tùy thuộc vào kết cấu nền đất hiện hữu mà các bước thực hiện tương đối khác nhau. Dựa vào tính năng sử dụng của nền gạch lát mà chia làm 3 cấp độ như sau:
CẤP ĐỘ CÔNG TRÌNH
PHÂN LOẠI CÔNG TRÌNH
CHIỀU DẦY NỀN PHỤ
CẤP 1
Chiều dầy gạch lát từ 100 - 140mm
Khu vực cảng bốc dỡ hàng hóa, nơi có mật độ giao thông cao.
150 - 200mm
CẤP 2
Chiều dầy gạch lát
từ 60 - 80mm
Đường vỉa hè, đường cho xe chạy trong khu thương mại, khu dân cư, đường giao thông công cộng, bãi đỗ xe.
100 - 150mm
CẤP 3
Chiều dầy gạch lát
từ 50 - 60mm
Sân vườn, hiên nhà, lối đi bộ, lối đi cho xe chạy trong khuôn viên nội bộ.
tối thiểu 75mm

     Dựa vào tính chất sử dụng của từng cấp độ công trình được thực hiện theo 2 cách lát nền gạch Bê tông như sau:

* Lát khối tự do:

     Là cách lát không liên kết. Chúng chỉ liên kết với nhau bởi cát khô rời rạc và tuyệt đối không có xi măng. Đây là cách lát nền ngoài trời được sử dụng rộng rãi, với ưu điểm dễ thi công, dễ thay thế sửa chữa, độ bền sử dụng cao.

Image
     - Việc đầu tiên cần phải đào lớp đất nền xuống tối thiểu là 200 mm và xác định đây là mức độ hoàn thiện cho lớp lát trên cùng.

     Với lớp nền đất yếu (dễ lún) thì cần tăng chiều dầy lớp nền cơ sở đá dăm và ngược lại cho nền cứng hơn.

     Đối với trường hợp lớp nền được dùng lại có chứa xà bần, đá hộc to nhỏ không đồng đều thì cần phải làm phẳng lại bằng đá dăm nhằm tránh chỗ bị lõm sâu, gây gẫy mặt gạch lát hoặc đọng nước.

     - Sau khi làm phẳng lớp nền cơ sở bằng đầm cóc nhiều lần, mức độ nền không còn lún. Tiếp tục rải lớp cát xây dựng phía trên. Làm phẳng lại bằng cây gạt hồ, chỉ đầm sơ qua 1-2 lượt là có thể tiến hành lót lớp gạch lát bê tông.

     - Lát lớp gạch đầu tiên:

     Chúng ta cần xác định điểm bắt đầu từ góc hay đường biên đầu tiên để từ đó khối gạch lát sẽ nối tiếp nhau.

     Có rất nhiều cách lát nền ngoài trời khác nhau:

     Ở đây chỉ trình bày 2 cách: Lát vuông góc 90o và lát theo mô hình xương cá 45o.
Với cách lát này phù hợp cho những công trình có mật độ lưu lượng xe đông, đường lái xe hoặc bãi đỗ xe.

     + Mô hình xương cá 90o: Theo cách này tỉ lệ cắt gạch thấp nhất. Để thực hiện chúng ta cần xác định 2 đường vuông góc nhau, từ vị trí này ta bắt đầu lát gạch theo hình.
Image
     + Mô hình xương cá 45o: Với mô hình này độ xích chặt giữa các viên rất cao và có thể tạo hình chữ V khác màu làm nổi bật hẳn theo lối di chuyển.
Image
     Người thợ cần đặt sát các viên vào nhau theo hướng vuông góc với mặt đất, tránh đặt từ ngoài lùa vào nhau (điều này làm viên gạch không sát nhau). Không đứng lên mép của viên gạch đã lát (sẽ làm cho viên gạch bị lún, hoặc lệch đi rất nhiều).

     Sau khi lát đầy hết diện tích thì cần xử lý đến những chỗ góc hoặc đường biên cuối cùng bằng cách cắt gạch từng vị trí cho phù hợp.

     - Rải cát lên bề mặt gạch và đầm:

     Cát được sử dụng lớp mặt phải khô, đồng nhất không lẫn bùn. Dùng cào để lấp đầy khe giữa các viên. Sau đó dùng đầm có gắn lớp cao su đệm phía dưới để đầm qua 2 lượt, khi hoàn tất thì loại bỏ cát dư trên bề mặt.

     Tiến trình đã hoàn tất và đưa vào sử dụng. (Xem thêm phần bảng tính để có kế hoạch thực hiện hoàn hảo).
     

    • Lát khối cố định:

     Đây là cách lát mà các khối gạch lát bê tông được đặt trên nền là vữa xi măng và được liên kết với nhau cũng bằng vữa, tạo ra lớp nền rắn chắc và cố định. Phương pháp này được sử dụng cho các công trình cấp 1, cấp 2. Được thi công rất tốn kém và đòi hỏi tay nghề cao.
Image

* HƯỚNG DẪN LÁT GẠCH TRỒNG CỎ

     Gạch trồng cỏ là loại gạch lát mà có thể tự thấm nước và cỏ có thể sống trong những ô trống, chúng có khả năng chịu tải trọng tốt cho bãi đỗ xe ô tô hoặc xe tải nhẹ. Ngoài ra chúng còn tạo ra không gian rộng lớn với thảm cỏ xanh mát.
Image
Các bước thực hiện theo hình vẽ:
Image

* HƯỚNG DẪN THI CÔNG GẠCH XÂY

1. MỤC ĐÍCH:

     Nhằm hướng dẫn cách thi công gạch xây bê tông cốt liệu nói chung đúng kỹ thuật, đạt mỹ thuật cao theo nguyên tắc sau: gạch xây phải nằm theo phương ngang, bằng, đứng thẳng, góc vuông, mạch hồ đều - không trùng, khối xây đặc chắc, vách xây sau khi tô (trát) không bị rạn, nứt chân chim.

2. PHẠM VI ÁP DỤNG:
     Áp dụng cho tất cả các loại gạch xây bê tông cốt liệu.

3. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:

3.1 Lưu đồ
Image

3.2 Mô tả chi tiết:            

     Trước tiên đơn vị thi công phải dựa vào bản vẽ thiết kế nhằm lập kế hoạch khối lượng, chủng loại gạch, thời gian giao. Căn cứ vào kế hoạch trên công ty Đức Hạnh lập kế hoạch giao hàng cho đơn vị thi công và sắp xếp gạch xây đúng nơi qui định.

     Tiếp theo chuẩn bị vữa (hồ) xây:

  • Trước khi thi công phải tiến hành thử nghiệm cát, nước, đảm bảo không bị nhiễm mặn.
  • Chất kết dính vữa xây được sử dụng là Ximăng PCB 30-40
  • Trộn vữa xây đều, dẻo
  • Mác vữa xây phù hợp với mác gạch xây

     Sau khi chuẩn bị vữa xây thì thực hiện công việc xây tường:

     Dưới đây chỉ mô tả công việc cho gach bê tông cốt liệu là gach Block

  • Trước tiên phải làm sạch bề mặt cần xây và tưới ẩm
  • Gạch block trước khi đưa vào xây cũng phải làm ẩm bề mặt trên và dưới

     Chuẩn bị xây: Dụng cụ cần xây: bay, thước livô, dây rọi, búa cao su.

3.2.1 Xây tường góc:

Image
     Trước tiên xác định vị trí cần xây, từ vị trí 2 góc tường trải một lớp hồ đều lên móng tường với chiều dầy khoảng 2cm (lớp hồ đầu tiên phải dầy hơn các lớp còn lại) rồi đặt Block đầu tiên sao cho thật thẳng, phẳng (theo phương thẳng đứng, mặt lỗ úp xuống) sau đó dùng thước thủy đặt lên bề mặt viên gạch theo phương ngang và phương đứng, nhằm xác định độ vuông góc và độ phẳng so với mặt đất. Lưu ý viên đầu tiên phải thật thẳng (không ngã ra hoặc vào) làm cơ sở để xây các lớp còn lại.

     Khi đã xây block đầu tiên và định vị rồi thì không được sửa, làm lệch vì hồ xây đã khô (xử lý bằng cách bỏ vữa xây, đặt lại block khác như ban đầu).

     Từ vị trí góc tường đã xây 2 viên đầu tiên: Để đặt viên thứ 2 thì ngoài việc đặt vữa bên dưới ta còn phải trát vữa vào phần cạnh đầu ngoài của block (mạch hồ từ 15-20mm, đảm bảo mach đứng phải no) và định vị theo đúng dây đã căng vào lớp thứ 1.

     Tiếp tục như trên cho hàng gạch xây đầu tiên và tránh trùng mạch thì viên đầu và cuối lớp thứ 2 phải dùng gạch Demi (theo đúng chủng loại).

     Để xây lớp thứ 2: Đặt 2 đầu dây căng lên lớp thứ 2, dùng vữa trát lên bề mặt lớp thứ 1, với chiều dầy mạch 10 – 15mm (tạo thẩm mỹ, tăng độ liên kết). Sau đó đặt Block lớp thứ 2 (theo phương thẳng đứng, mặt lỗ úp xuống) và dùng búa cao su gõ nhẹ nhằm tạo liên kết tốt với lớp 1, không để viên gạch đè lên dây căng và cứ như vậy cho các viên tiếp theo.

     Cứ xây được 2 - 3 block thì dùng bay miết các mạch hồ cho sát vào viên gạch, dùng chổi hay cọ quét sạch vữa xây thừa trên bề mặt.

     Xây lớp thứ 3: Tại vị trí này phải đặt sắt chờ cấy vào cột (dùng khoan đặt sắt Ø6 hoặc Ø8 với chiều dài 20-30cm), các bước xây như trên.

3.2.2 Xây tường thẳng:
Image

     Cũng thực hiện theo như xây tường góc, nhưng chỉ xác định 1 hướng xây.

     Trong trường hợp xây tường có nhiều sàn thì lớp xây trên cùng được chèn bằng gạch thẻ 40x80x180mm hoặc gạch 4 lỗ 80x80x180mm.

  • Lưu ý: Nhằm tránh hiện tượng góc cột và khối xây bị rạn nứt.
      + Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm gạch xây đã bị vỡ, nứt hoặc không đạt cường độ nén, độ thấm nước (theo TCVN 6477:2011)

     + Trước khi xây làm ẩm bề mặt viên gạch; Điều này làm tránh hiện tượng các phân tử nước và hạt xi măng thấm sâu vào bề mặt khối xây. Lúc này bề mặt vữa xây bị mất nước và khi đó không đủ nước để phản ứng chuyển khoáng xảy ra (cường độ vữa xây không đạt).

     Đặc biệt đối với gạch xây có độ thấm nước >350ml/m2.h (gạch có bề mặt sần sùi, độ liên kết kém) thì càng xảy ra hiện tượng trên với mức độ càng cao.

     + Đối với gạch block 19x19x39: Cứ 3 lớp xây phải có 2 cây sắt chờ Ø8 cấy vào cột bê tông;

     + Đối với gạch block 9x19x39: 3 lớp xây, có 1 cây sắt chờ Ø6 cấy vào cột bê tông;

     + Khi gắn cửa sổ tránh để mạch vữa trùng cạnh dưới cửa (phương đứng);

     + Khống chế chiều cao xây mỗi đợt từ 1,0 - 1,2m;

     + Mạch vữa xây phương đứng từ 15 - 20mm, phải no; mạch ngang từ 10-15mm;

     + Không để khối xây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng cao và mưa;

     + Bảo dưỡng sau khi xây (sau 2 - 4 giờ xây tưới ẩm)

3.2.3 Tô (trát) bề mặt tường:

     + Trước khi tô bề mặt, tường xây phải được tưới ẩm thật nhiều.

    + Tại vị trí nách đà, nách cột phải được đóng lưới sắt (khích thước lỗ 2x3mm). Nhằm tạo liên kết tốt giữa khối xây và bê tông cột, đà.

     + Mác vữa tô phù hợp với mác gạch xây, phải được trộn đều, dẻo.

Thực hiện:

     Tại vị trí nách đà, nách cột dùng đinh thép đóng cố định lưới sắt ốp vào phần bê tông và khối xây (khoảng 20x20cm2), trát 1 lớp mỏng hồ dầu. Sau 4 giờ dùng vữa tô lên bề mặt tường với chiều dầy 10 -15mm.

     Cuối cùng khối xây sau khi tô bề mặt, từ 2-4 giờ phải được tưới nước dưỡng ẩm trong thời gian 3 ngày. Nhằm tránh tình trạng khối xây sau khi tô bị răn, nứt chân chim.